IELTS LÀ GÌ?

1. IELTS LÀ GÌ?
Hiện nay, IELTS đã và đang khẳng định ưu thế của mình không chỉ trong hệ thống giáo dục mà còn có mặt trên hết thảy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Nhưng liệu các bạn đã biết đến những sự thật thú vị sau đây về IELTS chưa? Hãy cùng TPS khám phá nhé!
IELTS là tên viết tắt cho International English Language Testing System, tạm dịch là Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ Quốc tế bao gồm 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc và Viết. Hiện nay, IDP đang là đơn vị đồng sáng lập và tổ chức kỳ thi IELTS tại Việt Nam.
Các bạn có thể tham khảo thêm thông tin đăng ký dự thi ở đường link dưới đây:
https://www.thepolyglotstation.com/post/đăng-ký-thi-ielts-tại-idp-việt-nam
Đây là hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế quan trọng và phổ biến nhất thế giới cho mục đích học tập, làm việc và định cư với hơn hai triệu thí sinh dự thi.
Bằng IELTS có giá trị bao lâu? Không giống như những loại chứng chỉ khác, bằng IELTS chỉ có giá trị trong vòng 2 năm tính từ ngày thi. Vì vậy, bạn cần lên kế hoạch học tập, làm việc sao cho hợp lý với lịch trình thi IELTS.
Bạn có thể dự thi IELTS Học thuật (IELTS Academic) hoặc IELTS Tổng quát (IELTS General) tùy theo tổ chức mà bạn đang nộp đơn đến và kế hoạch sắp đến của bạn. Và các bạn có thể cân nhắc và đưa ra quyết định phù hợp cho bản thân sau khi tham khảo bài viết này của TPS: https://www.thepolyglotstation.com/post/su-khac-biet-giua-academic-general-ielts
2. CẤU TRÚC BÀI THI IELTS:
Bài thi IELTS đánh giá toàn diện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Các thí sinh sẽ thi chung phần nghe và nói trong khi phần thi viết và đọc sẽ khác biệt tuỳ theo việc thí sinh đó đăng ký hình thức thi Học thuật hay Đào tạo chung.
Bài thi nghe (Listening)
Thời gian làm bài thi nghe là 30 phút với 40 câu hỏi. Thí sinh sẽ nghe tất cả các câu hỏi và độ khó của từng phần sẽ tăng dần. Bài thi bao gồm nhiều dạng khác nhau như thông tin từ một người, cuộc đàm thoại của 2 hoặc nhiều người. Và thí sinh sẽ nghe nhiều giọng phát âm của nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, bạn sẽ có thời gian để đọc câu hỏi và chuẩn bị câu trả lời. Bài thi nghe có 4 phần, mỗi phần có 10 câu hỏi, thí sinh chỉ được nghe duy nhất một lần, các đoạn nghỉ được ghi kèm trong băng hoặc đĩa. Cuối bài thi các thí sinh sẽ có 10 phút để ghi lại kết quả vào Phiếu trả lời câu hỏi.
Phần 1: là các tình huống đời thường (đăng ký hoạt động, thuê nhà, nhập học) thường là 1 cuộc đối thoại nhưng là hỏi đáp, và người đáp thường nói nhiều hơn.
Phần 2: là các tình huống hướng dẫn và giới thiệu về 1 chủ đề quen thuộc (trường học, khu du lịch, chương trình ca nhạc, triển lãm,..) thường chỉ nói bởi 1 người.
Phần 3: là các tình huống đối thoại giữa ít nhất 2 người, đây là các cuộc thảo luận có tính chất học thuật hơn (Ví dụ: chọn chủ đề khóa luận, đề tài nghiên cứu khoa học).
Phần 4: là 1 bài thuyết trình về 1 chủ đề học thuật, thường do 1 người nói và dùng nhiều từ ngữ mang tính chất học thuật.
Lưu ý: Cập nhật một số thay đổi mà IELTS Official đã công bố về cấu trúc mới của IELTS Listening (có hiệu lực từ 4/1/2020):
Các bài trong bài Listening sẽ không được gọi là "Section" nữa mà sẽ gọi là "Part". Số lượng bài thi vẫn là 4.
Trong phần mở đầu bài thi ở Section 1 (nay là Part 1), thí sinh sẽ không được nghe ví dụ mẫu thực hiện bài làm như trước.
Trong mỗi bài, hướng dẫn cho thí sinh sẽ không đề cập cụ thể số trang trên đề đó nữa (Ví dụ: Mở trang 2 trong đề và nhìn vào…)
Bài thi đọc (Reading)
Dành cho dạng học thuật (Academic).
Bài thi gồm khoảng 40 câu hỏi, thời gian làm bài là 60 phút (không có thời gian dành cho ghi lại câu trả lời cuối bài thi). Bài thi thông thường bao gồm 3 phần và phần trả lời câu hỏi. Mỗi phần là 1 đoạn văn khoảng 1500 từ với câu hỏi được chia tương đối đều. Các đề tài thường trích dẫn từ sách, báo, tạp chí hoặc tập san và những đề tài này không mang tính chất chuyên môn. Bài thi thông thường bao gồm 1 đề tài thảo luận.
Dành cho dạng không học thuật (General Training).
Thời gian làm bài thi cũng là 60 phút, gồm 40 câu hỏi như bài Đọc của dạng thi Academic. Các đề tài trong bài thi đọc thông thường liên quan đến các tình huống hàng ngày ở các nước nói tiếng Anh. Các đề tài thường trích dẫn từ sách, báo, mẫu quảng cáo, các hướng dẫn sử dụng mục đích để đánh giá khả năng hiểu và xử lý thông tin của từng thí sinh. Các đề tài trong bài thi thông thường bao gồm đoạn văn mô tả hơn là những bài luận văn.
Bài thi viết (Writing)
Dành cho dạng học thuật (Academic).
Thời gian làm bài thi là 60 phút (thí sinh phải tự phân phối thời gian). Được chia làm 2 phần:
Phần 1: thí sinh thường được yêu cầu viết bài báo cáo ít nhất 150 từ để mô tả và giải thích các số liệu, dữ liệu trên các biểu đồ, một quá trình, một hiện tượng,... được biểu diễn dưới dạng hình vẽ. Phần này nên được hoàn thành trong khoảng 20 phút.
Phần 2: thí sinh thường được yêu cầu viết bài tiểu luận ít nhất 250 từ để đưa ra những chính kiến tranh luận hay nhận định về 1 ý kiến hoặc vấn đề. Thí sinh nên đưa ra những tình huống và ví dụ cụ thể để hỗ trợ cho nhận định của mình. Phần này nên được hoàn thành trong khoảng 40 phút và được tính điểm gấp đôi so với phần 1.
Dành cho dạng không học thuật (General Training).
Thời gian làm bài thi cũng là 60 phút, được chia làm 2 phần:
Phần 1: thí sinh thường được yêu cầu viết bức thư ít nhất 150 từ với mục đích là hỏi thông tin hay giải thích về 1 tình huống trong cuộc sống. Phần này nên được hoàn thành trong không quá 20 phút.
Phần 2: thí sinh thường được yêu cầu viết bài tiểu luận ít nhất 250 từ để đưa ra quan điểm của 1 sự việc hay vấn đề. Thí sinh cần phải đưa ra chính kiến của mình hoặc trích dẫn ý kiến. Thí sinh nên đưa ra những tình huống và ví dụ cụ thể để hỗ trợ cho nhận định của mình. Phần này nên được hoàn thành trong không quá 40 phút và được tính điểm gấp đôi so với phần 1.
Bài thi nói (Speaking)
Thời gian của bài thi nói thông thường là từ 11 - 14 phút. Thí sinh sẽ trò chuyện trực tiếp với giám khảo. Thí sinh cần thể hiện các khả năng: trả lời lưu loát các câu hỏi, thông thạo các đề tài và khả năng giao tiếp với giám khảo. Giám khảo sẽ đánh giá trình độ tiếng Anh của thí sinh dựa vào 4 yếu tố: Từ vựng, Ngữ pháp, Lưu loát và Phát âm. Có thể tạm chia bài thi nói ra 3 phần:
Phần 1: Trả lời các câu hỏi về bản thân. Giám khảo sẽ hỏi về quê hương, gia đình, sở thích,...
Phần 2: Giám khảo sẽ đưa cho bạn 1 chủ đề trên một tấm thẻ (hoặc tờ giấy), trong đó sẽ có 4 gợi ý để thí sinh có thể dễ dàng phát triển ý. Thí sinh có 2 phút để trả lời. Trước khi bắt đầu nói, thí sinh có 1 phút để suy nghĩ, trong quá trình suy nghĩ có thể ghi chú ngoài giấy nháp. Kết thúc phần trả lời, người hỏi có thể sẽ hỏi thêm 1 đến 2 câu hỏi.
Phần 3: Người hỏi sẽ hỏi bạn các câu hỏi liên quan tới chủ đề mà bạn đã trình bày ở phần 2. Các câu hỏi ở phần này thường là các loại sau: Discuss (bàn luận), Compare (so sánh), Speculate (dự đoán), Analyse (phân tích), Explain (giải thích), Evaluate (đánh giá).
3. THANG ĐIỂM BÀI THI IELTS:
IELTS không có đỗ và trượt. Thí sinh sẽ nhận được Giấy chứng nhận kết quả và trên đó thể hiện số điểm từ 1 – 9. Giấy chứng nhận kết quả sẽ ghi rõ tổng điểm và điểm trung bình cho từng phần thi. Kết quả bài thi IELTS được đánh giá trên một thang điểm 9 cấp. Mỗi một mức điểm điểm ứng với từng trình độ khác nhau, trong đó có tính đến điểm 0.5 (Ví dụ như 6.5 hay 7.5).
9 - Thông thạo: Đã hoàn toàn nắm vững ngôn ngữ với một sự phù hợp, chính xác, lưu loát và thông hiểu hoàn toàn đầy đủ.
8 - Rất tốt: Hoàn toàn nắm vững ngôn ngữ, chỉ đôi khi mắc những lỗi như không chính xác, không phù hợp nhưng lỗi này chưa thành hệ thống. Trong những tình huống không quen thuộc có thể sẽ không hiểu. Sử dụng tốt với những chủ đề tranh luận phức tạp, tinh vi.
7 - Tốt: Nắm vững ngôn ngữ, nhưng đôi khi có những sự không chính xác, không phù hợp, không hiểu trong một số tình huống. Nói chung là sử dụng tốt ngôn ngữ phức tạp và hiểu những lý lẽ tinh vi.
6 - Khá: Sử dụng ngôn ngữ tương đối hiệu quả tuy có những chỗ không chính xác, không phù hợp, không hiểu. Có thể sử dụng và hiểu tốt ngôn ngữ phức tạp, đặc biệt là trong những tình huống quen thuộc.
5 - Bình thường: Sử dụng được một phần ngôn ngữ, nắm được nghĩa tổng quát trong phần lớn các tình huống, dù thường xuyên mắc lỗi. Có thể sử dụng ngôn ngữ trong những lĩnh vực riêng quen thuộc của mình.
4 - Hạn chế: Có sự thành thạo cơ bản bị hạn chế trong những tình huống quen thuộc. Thường có khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ phức tạp.
3 - Cực kì hạn chế: Có thể nói và hiểu trong những tình huống rất quen thuộc. Thường thất bại trong giao tiếp.
2 - Lúc được lúc không: Không có những giao tiếp thực sự ngoại trừ những thông tin cơ bản nhất với những từ ngữ riêng lẻ hoặc những cú pháp ngắn trong tình huống thông thường để đạt được mục đích tức thời. Khó khăn lớn trong việc nói và viết tiếng Anh.
1 - Không biết sử dụng: Hoàn toàn không có khả năng sử dụng tiếng Anh ngoài vài từ riêng lẻ.
0 - Bỏ thi: Không một thông tin nào để chấm bài. Người dự thi đã không thể tham dự kì thi.
4. LỢI ÍCH CỦA CHỨNG CHỈ IELTS:
Nếu bạn đang băn khoăn học IELTS để làm gì? Bằng IELTS có tác dụng gì? Bạn nghĩ rằng chứng chỉ IELTS chỉ có ích với những ai muốn du học, định cư nước ngoài. Nhưng thật ra, lợi ích của IELTS mang đến cho bạn còn nhiều hơn thế.
Miễn giảm các khóa Tiếng Anh tại trường Đại học
Rất nhiều trường đại học tại Việt Nam đều quy định các khóa học tiếng anh bắt buộc khi vừa nhập học. Nếu bạn sở hữu chứng chỉ IELTS phù hợp với yêu cầu của trường, bạn sẽ được miễn giảm học tiếng anh trong những năm đầu theo học trước khi vào học chuyên ngành (tại một số trường) như Đại học quốc gia (ĐHQG) đều có quy định rõ về thang điểm và điều kiện học tiếng Anh tại trường. Ngoài ra IELTS cũng trở thành điều kiện tại nhiều trường ĐH hiện nay để sinh viên có thể nhận được tấm bằng tốt nghiệp
Cơ hội xét tuyển vào các trường đại học hàng đầu
Hiện nay, chứng chỉ IELTS ngày càng phổ biến tại các quốc gia nói tiếng anh. Bắt kịp xu thế đó, các trường đại học hàng top cũng dần đưa IELTS vào điều kiện xét tuyển. Tùy vào từng trường sẽ có các khung quy chuẩn khác nhau cho điểm IELTS.
Cụ thể, từ năm 2018, đối với trường ĐHNgoại thương, những học sinh đã tốt nghiệp THPT có điểm tổng kết trung bình của 3 năm học từ 7.5 trở lên và có tổng điểm 2 môn thi thuộc tổ hợp môn xét tuyển của trường (không tính Ngoại ngữ) đạt từ 16 điểm trở lên khi nộp chứng chỉ IELTS 6.5 sẽ được ưu tiên xét tuyển vào hệ đại học chính quy giảng dạy bằng chương trình Tiếng Anh (Bao gồm chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao, chương trình Kế toán – Kiểm toán ACCA, chương trình chuyên ngành Kinh Doanh Quốc Tế, chương trình chuyên ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng)
Dễ dàng săn học bổng khi du học
IELTS được xem là loại bằng cấp uy tín nhất, là điều kiện bắt buộc khi bạn chọn du học tại các quốc gia nói Tiếng Anh. Lợi ích của IELTS là vô cùng lớn cho những ai đang săn học bổng du học, tìm kiếm cơ hội tại những trường hàng đầu thế giới.
Chính vì thế, nếu bố mẹ muốn tạo điều kiện cho con du học thì chắc hẳn phải biết lợi thế tại sao nên học IELTS từ cấp 2, 3. Càng giỏi tiếng Anh, càng dễ sang nước ngoài mở mang tầm mắt, việc học tập đồng thời sống tự lập sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều.
Yêu cầu cụ thể với band điểm IELTS cho từng mục đích như sau :
Xin Visa định cư cần khoảng 5.0 – 5.5 IELTS
Du học Cao đẳng, Đại học cần tối thiểu 6.0 – 6.5 IELTS
Du học bậc Thạc Sỹ cần tối thiểu 6.5 IELTS
IELTS giúp bạn xin việc dễ dàng với mức lương cao hơn hẳn:
Có bằng IELTS trong tay, hồ sơ xin việc sau khi ra trường của bạn sẽ được “nâng lên” rất nhiều. Bởi có nhiều công ty lớn, công ty quốc tế, có hợp tác với những đơn vị nước ngoài có yêu cầu tiếng Anh cao. Những công ty này có mức lương cao mà với IELTS, các bạn dễ dàng apply và nhận được công việc xứng đáng hơn, tiền đồ rộng mở hơn thay vì chọn những công ty lương thấp. Không chỉ dừng lại ở đó, việc sở hữu một khả năng ở trình độ nhất định được minh chứng bởi IELTS sẽ giúp cho chúng ta rất nhiều ở việc xử lý công việc với tài liệu ngoại ngữ, giao tiếp với đối tác nước ngoài, thuyết trình tự tin bằng tiếng Anh trong các cuộc hội thảo,...